Tham dục triền cái Năm triền cái

Tham là để chỉ trạng thái mong cầu dục lạc, vui thú qua năm giác quan của hình dáng, âm thanh, mùi hương, vị nếm, và cảm xúc. Trong một dạng cực đoan, tham dục là lòng mong ước mãnh liệt để tìm khoái lạc trong những hoạt động tình dục, của cải vật chất.

Tham dục triền cái nằm trong hệ thống quán pháp có nghĩa là lòng tham dục, luyến ái đối với một hay nhiều đối tượng khác. Trong khi lòng tham dục thuộc bản năng tuần tuý được gọi là tham kiết sử, thì dục ái trên một đối tượng cụ thể khác lại là tham dục triền cái.

Ví dụ tu sĩ A luyến ái, dục tưởng đối với cô B, như vậy tu sĩ A đang bị tham triền cái và cô B là pháp tham triền cái của tu sĩ A. Ông C thèm rượu, thuốc lá; bà D ham mê cờ bạc, như vậy ông C và bà D đều bị tham triền cái chi phối; rượu, thuốc lá, cờ bạc là các pháp tham đối với họ.

Tham triền cái là tấm màn ngăn che trí tuệ khiến con người dễ dàng gây ra những nghiệp ác hại mình, hại người hay hại cả hai, tạo khổ đau ngay trong kiếp này lẫn kiếp sau.

Hai ông vua chỉ vì đam mê sắc đẹp một mỹ nhân sẵn sàng đẩy hai đất nước vào một cuộc chiến tranh đẫm máu để giành lấy người đẹp cho mình.

Một cô gái chân yếu tay mềm nhưng vì luyến ái ngươi yêu dẫn đến ghen tuông, trở thành tội phạm tàn nhẫn sát hại tình địch của mình để rồi chôn vùi cuộc đời trong tù ngục; hoặc nếu không, lại rồ dại tự tử vì tình.

Bên cạnh đó, cũng đã có biết bao những tệ nạn, những thảm cảnh đau thương do tham đắm rượu, ma tuý, cờ bạc… gây ra. Thật khó nói hết được những bi kịch muôn vẻ này!

Đúng như kinh Pháp Cú có câu “ Lửa nào bằng lửa tham”. Một khi ngọn lửa tham bốc lên, nó có thể đốt cháy tất cả, ngay cho dù đó là tình nghĩa ruột thịt: con giết cha đoạt ngai vàng, anh em đâm chém nhau vì tài sản, vợ chồng lường gạt hãm hại nhau để ngoài tình…

Đối với người tu sĩ, tham dục triền cái không những làm ô nhiễm tâm, ngăn trở tiến trình giải thoát mà còn gây ra sự thối đoạ, trở lui cuộc sống thế tục; hoặc nếu không, phải che giấu cuộc sống phi phạm hạnh của mình. Vị Tỷ-kheo không nỗ lực đoạn trừ triền cái nguy hiểm này sẽ đi đến phá giới hạnh, ngay trong hiện tại bị rơi vào sự khổ đau. Không những thế với tội làm ô uế y áo của Tăng, gây mất lòng tin nơi người khác, khiến Tăng đoàn mang tiếng xấu, theo đạo luật nhân quả vị Tỳ-kheo thối đoạ này còn phải chịu cảnh đoạ xứ, địa ngục trong tương lai về lâu dài.

Một thời tại Kosala, Đức Thế Tôn chỉ vào đống lửa đang cháy lớn hỏi các Tỷ-kheo rằng ôm đống lửa đang cháy và phá giới ôm ấp nữ nhân việc nào tốt hơn. Các Tỷ-kheo trả lời ôm một nữ nhân tốt hơn. Nhưng với trí tuệ Tam Minh thấu suốt nhân quả nghiệp báo nhiều đời kiếp, Đức Phật đã khẳng định: 

Ta tuyên bố cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, Ta nói rõ cho các Thầy, này các Tỷ-kheo, với một người ác giới, theo ác pháp, sở hành bất tịnh, đáng nghi ngờ những hành vi che đậy, không phải Sa-môn, nhưng tự nhận là Sa-môn, không sống phạm hạnh, nhưng tự nhận sống Phạm hạnh, nội tâm hôi hám, ứ đầy tham dục, thánh tình bất tịnh. Thật là tốt hơn cho người ấy ôm ấp ngồi gần hay nằm gần nhóm lửa lớn ấy đang cháy đỏ, cháy đỏ rực, cháy đỏ lửa ngọn.

Vì cớ sao ? Vì do nguyên nhân ấy, này các Tỷ-kheo người ấy có thể đi đến chết, hay đi đến gần như chết, nhưng không vì nhân duyên ấy, sau khi thân hoại mạng chung, có thể sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục.

Nhưng này các Tỷ-kheo, khi một người ác giới theo ác pháp…thánh tình bất tịnh, ôm ấp, ngồi gần, hay nằm gần tay chân mềm mại non trẻ của người con gái Sát-đế- lỵ, hay người con gái Bà-la-môn, hay người con gái gia chủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, khiến cho vị ấy bất hạnh đau khổ lâu dài,sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đoạ xứ, địa ngục” (TC VII: 68, tr.458-69= [I.7.68]).